Giáo dục STEAM đã đến lúc ứng dụng mạnh mẽ hơn tại Việt Nam

Ngày 23/09/2019 vừa qua tại Hà nội, Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Giáo dục STEAM tại Việt Nam do Bộ Giáo dục Đào tạo, Đại sứ quán Đan Mạch và LEGO Education phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức đã tạo được hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục STEAM

Diễn đàn thu hút hơn 200 khách mời đến từ các đơn vị giáo dục của VN – Đan Mạch. Tại sự kiện, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đánh giá cao việc ứng dụng STEAM trong giáo dục. Với STEAM, các em học sinh sẽ được tiếp cận với 5 môn học liên kết với nhau Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán học nhằm định hướng các em học sinh bằng các câu hỏi, trao đổi nhóm và tư duy phản biện thông qua các trải nghiệm thực tiễn. Các hoạt động thú vị trong giờ học sẽ giúp các em có được những kỹ năng giải quyết vấn đề, tích cực hoạt động nhóm – hợp tác và làm việc sáng tạo hơn. Đây là các kỹ năng cần thiết của những nhà kiến tạo, giáo dục, những nhà lãnh đạo tương lai trong thế kỷ 21.

Trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0 việc thúc đẩy ứng dụng giao dục STEAM sẽ góp phần tạo ra một lực lượng lao động chất lượng toàn diện cho các công việc có liên quan đến khoa học – công nghệ, toán học, sáng tạo nghệ thuật, hỗ trợ thành công chương trình giáo dục phổ thông mới tại VN. Như trong lịch sử thế giới đã từng gọi tên nhà hoạ sĩ thiên tài Leona De Vinci – người không chỉ để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật hội họa đỉnh cao mà còn là những ý tưởng phát minh – sáng chế vượt thời đại như: sáng tạo thiết bị lặn giúp các binh sĩ yêu nước chiến đấu tốt hơn để chống lại kẻ thù xâm lược; trở thành người phát minh chiếc dù tam giác đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực máy bay – tàu lượn; là người chế tạo ra robot thô sơ có thể đi lại – đứng ngồi bằng các ròng rọc.

Bên lề sự kiện còn có lớp trang bị nhanh kiến thức giáo dục STEAM và góc trải nghiệm STEAM dành cho các vị đại biểu, khách mời và đặc biệt là các em học sinh tại 1 số trường Tiểu học và THCS tại TP Hà Nội. Tại sự kiện, các em tham gia các hoạt động tìm hiểu, lắp ghép các chi tiết robot lego kết hợp cùng thiết bị điều khiển bằng ipad để giải quyết các vấn đề trong thực tế như gắp hàng chính xác hay thu dọn rác thải,…

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng thành công giáo dục STEAM trong giáo dục tuy nhiên tại Việt Nam, STEAM vẫn chưa được phát triển rộng rãi tại tất cả các trường học trên cả nước. Chính vì thế, sự kiện này đã giúp cho nhiều đơn vị giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh có thể khắc phục những bất cập, khó khăn để cùng nhau ứng dụng tốt hơn giáo dục STEAM trong tương lai.

Sự kiện đã được ghi hình và tường thuật lại trong chương trình thời sự 19h ngày 24.09.2019 từ phút 39’57 – 40’57 và chương trình cafe sáng cùng VTV3 ngày 25/09/2019 từ phút 6’14 – 7’23.

Link xem chương trình:

Thời sự: http://bit.ly/2n6xzWs
Cafe sáng: http://bit.ly/2lBfCid

Giải pháp giúp trẻ học tập tiến bộ

Lego Education (LED) áp dụng các phương pháp dạy học tiến bộ nhằm khơi dậy niềm đam mê của trẻ với các bộ môn tự nhiên, khoa học, tin học và toán học, vật lý.

Đây là chương trình giáo dục phát triển tài năng trẻ do Tập đoàn Lego, Đan Mạch sáng lập. Đến nay, LED đã được áp dụng rộng rãi ở hơn 45 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Nga, Nhật… Với sứ mệnh mang đến chương trình giáo dục mới mẻ, chất lượng nhằm đào tạo và hoàn thiện kỹ năng thế hệ trẻ, LED thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam. Chương trình dựa theo giáo trình Robotics của Lego Education, Đan Mạch phối hợp với Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) biên soạn. Điểm nổi bật của giáo trình là phương pháp 4C cùng sự hướng dẫn các giáo viên tại các trường trung học, THCS và THPT giàu kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng học tập cũng như tính sư phạm trong mỗi bài giảng, phù hợp với chương trình học tập tại Việt Nam. Từ đó, học sinh có thể phát triển những mô hình sáng tạo và ứng dụng cao, có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày. Cách học này giúp các em nhanh chóng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức cũng như hỗ trợ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân.

Phương pháp 4C tiên tiến

4C là từ viết tắt của bốn chữ cái đầu tiên trong các từ khóa: Connect, Construct, Contemplate và Continue. Trong đó, Connect nghĩa là kết nối. Phương pháp này giới thiệu về những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày, giúp các em có cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn và thử thách của bài học. Từ khóa Contruct có nghĩa là tạo dựng. Các em sẽ láp ráp mô hình robot Lego Mindstorms EV3 theo yêu cầu. Đây là sản phẩm tiên tiến trong dòng Mindstorms, được tích hợp bộ xử lý thông minh cùng với các thiết bị cảm ứng tối tân. Sản phẩm được lập trình trực quan theo hình ảnh dựa trên nền tảng Labview với giao diện tiếp xúc thân thiện và dễ hiểu, giúp các em khám phá thế giới khoa học dưới góc nhìn mới. Ngoài ra, yếu tố Contemplate trong phương pháp này sẽ giúp các em học được cách đánh giá, kiểm tra và khám phá những giải pháp mới. Continue sẽ khuyến khích các em học sinh tự tìm tòi sáng tạo thêm để có thể nâng cấp sản phầm robot của mình, đạt hiệu quả tốt hơn cũng như hiểu thêm và những bài học vận dụng vào cuộc sống.

Quy mô Lego Education

Lego Education giới thiệu bộ môn Robotics đến với giới trẻ Việt từ 3 năm trước. Từ những cảm xúc lạ lẫm, mới mẻ khi lần đầu tiếp xúc với Lego Mindstorms NXT hay Mindstorms EV3, giờ đây,  Robotics đã trở thành sở thích, đam mê của nhiều em nhỏ. Được sự ủng hộ và chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo, bộ môn này đã được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường tiểu học, THCS, THPT, đại học trên địa bàn TP HCM. Song song với việc giảng dạy như một lớp học ngoại khóa, Robotics từng bước trở thành một bộ môn nghề thiết yếu tại các trường trong năm tới. Không chỉ phát huy tối đa tính sáng tạo cho học sinh, LED còn tổ chức các cuộc thi cuối khóa, dựa trên format của LED trên thế giới.

Hiện tại, chương trình đã đồng hành với hơn 18 trường THCS, 6 trường THPT trong đó có những trường điểm của quận như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, mặc dù chỉ vừa triển khai đầu năm 2015 tại các trường tiểu học nhưng đến nay đã có 9 trường hoạt động robotics và trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Bên cạnh đó, hàng loạt các buổi giới thiệu robotics đã diễn ra khắp các trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía nhà trường và phụ huynh. Ở đây, các bé không chỉ đơn thuần học mà còn có thể vui chơi giải trí lành mạnh đồng thời phát triển tư duy một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò bó, ép buộc.

Tại Hà Nội, Ciem – Well Spring, đối tác của Lego Education cũng đang hoạt động hiệu quả chương trình này. Với hướng phát triển sắp tới, chương trình sẽ mở rộng hơn ở các tỉnh, thành phố từ Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng đến Cần Thơ. Mục tiêu của LED là triển khai chương trình học tập vào các lớp học, bồi dưỡng vun đắp niềm đam mê robot từ nhỏ cho các em.

Bên cạnh đó, cuộc thi tìm kiếm tài năng Robotacon của LED do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM phối hợp cùng Lego Education cũng được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm bạn trẻ đến từ khắp các trường trên TP HCM tham dự. Sắp tới, Lego Education sẽ hỗ trợ Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tổ chức cuộc thi Olympic 30/4 nhằm tạo thêm một sân chơi robot với quy mô lớn dành cho cấp bậc THPT.

Cuộc thi Robotacon là một cơ hội cho các em đi tranh tài tại đấu trường quốc tế. Lego Education đồng hành cùng đội tuyển xuất sắc sau cuộc thi trong nước tham gia đấu trường World Robot Olympiad tổ chức hàng năm luân phiên ở 45 quốc gia thành viên. Hiện tại, LED cùng đội tuyển Việt Nam đang luyện tập cho WRO tại Doha, Qatar diễn ra vào tháng 11 năm 2015.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM trong giáo dục

GD&TĐ – Ngày 23/9 tới, Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM trong giáo dục nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quá trình ứng dụng và thúc đẩy STEAM tại Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham dự của khách mời là đại diện Bộ GD&ĐT; Đại sứ quán Đan Mạch; sở GD&ĐT một số tỉnh, thành phố; các chuyên gia STEAM trong nước và quốc tế; giáo viên của các trường tại Hà Nội. Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM trong giáo dục là sự nối tiếp mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực giáo dục.

Ý tưởng hợp tác với Đan Mạch và LEGO Education để thúc đẩy STEAM tại Việt Nam được hình thành vào tháng 8 năm 2017 trong chuyến thăm chính thức Đan Mạch của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam.

Diễn đàn lần này do LEGO tài trợ. Bên lề diễn đàn chính thức, LEGO cũng cho dựng nhiều góc trải nghiệm ngay bên ngoài trường quay VTV 7 để đại biểu và học sinh có thể trải nghiệm STEAM thực tế với các thiết bị và công cụ của LEGO dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia LEGO Education.

Việt Nam và Đan Mạch bắt đầu hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục từ năm 2005 với việc thực hiện một chương trình 10 năm hỗ trợ Việt Nam đưa phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm trong giảng dạy mỹ thuật trong trường tiểu học và xây dựng giáo trình cho phương pháp mới.

Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa hai nước ký tháng 9 năm 2013 tiếp tục khẳng định giáo dục là một trong các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Việt Nam và Đan Mạch. Trong những năm gần đây, Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề và hỗ trợ học tập suốt đời. Chỉ riêng trong năm 2018, Đan Mạch đã cấp học bổng cho hơn 200 cán bộ chính phủ Việt Nam tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức và năng lực trong các lĩnh vực như vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế cộng đồng, nông nghiệp…

STEAM là phương pháp tiếp cận liên môn trong giáo dục các môn học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Mỹ thuật và Toán nhằm định hướng các em học sinh bằng các câu hỏi, trao đổi nhóm và tư duy phản biện. Phương pháp này thông qua các trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp các em có được những kỹ năng như cân nhắc rủi ro, giải quyết vấn đề, hợp tác và làm việc sáng tạo. Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết của những nhà kiến tạo, giáo dục, những lãnh đạo, và học sinh của thế kỷ 21.

Từ năm học 2013-2014 đến nay, giáo dục STEM đã được triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan, gắn với đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thông qua xây dựng và thực hiện các chủ đề/dự án học tập gắn với thực tiễn. Hằng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học và chọn cử học sinh tham dự Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế (Intel ISEF) tại Hoa Kỳ. Chính thức tham dự Intel ISEF từ năm 2012 đến nay, năm nào học sinh Việt Nam cũng đoạt giải tại hội thi này.

Các robot đối kháng cực gây cấn tại cuộc thi Robotacon – WRO 2018

Ngày 18/8, vòng chung kết cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 đầy sôi động với những khoảnh nhiều cảm xúc đã diễn ra ở TP.HCM. Đây là cuộc thi về STEM Robotics dành cho lứa tuổi 8 – 20 tuổi có quy mô lớn nhất hiện nay, nhằm mục đích khuyến khích các học sinh học hỏi STEM qua Robotics, tạo sân chơi khoa học kỹ thuật cho các em học sinh và tìm ra các đội xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi World Robot Olympiad 2018 trên trường quốc tế. Đặc biệt ở bảng thi B5 là Sumo (hai robot đối kháng nhau), có nhiều tình huống rất gây cấn đã xảy ra, như trường hợp robot của đội Việt Robot B5-01 bị rơi bánh xe khi bị robot đối phương kẹp cứng nhưng sau đó vẫn mạnh mẽ đẩy đối phương rơi khỏi sàn đấu. Hình ảnh một thành viên nhỏ tuổi của đội Việt Robot B5-01 chắp tay trước mặt và tỏ ra căng thẳng cho thấy tinh thần thi đấu của các em kiên cường không khác gì các đàn anh tại cuộc thi Robocon nổi tiếng.

Đây là lần thứ 6 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và cũng là kỳ thi có số lượng đội thi và số thí sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay.
Ngoài các nam thí sinh, còn có không ít các nữ sinh cũng đam mê khoa học – công nghệ và lập trình robot.

Robot Robotacon – WRO 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM phối hợp với hãng LEGO Education và Samsung Vina tổ chức trong hai ngày 18 và 19/8.

Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Trung học (Sở GD&ĐT TP.HCM) cho biết, cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.500 thí sinh của hơn 500 trường tiểu học và trung học trên cả nước đăng ký ở vòng thi cấp cơ sở. Sau đó, ban tổ chức đã chọn ra được 283 đội thi xuất sắc với 770 thí sinh (tăng 50% so với năm 2017) đến từ hơn 100 trường tiểu học, THCS, THPT và đại học để thi vòng chung kết, trong đó có 85 đội thi đến từ Hà Nội, Nghệ An và Đà Nẵng. Đặc biệt, theo ông Tân, điểm khác lạ của cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 là có thêm bảng mở rộng và luật thi đấu bất ngờ trong mỗi ngày diễn ra. “Điều lệ nội quy và luật thi đấu khó hơn mọi năm, có luật thi đấu bất ngờ trong mỗi ngày. Nhưng ở tất cả các bảng, đặc biệt là bảng mở rộng, dự án của các đội thi rất sáng tạo. Các em tự tin chia sẻ dự án bằng tiếng Anh, khả năng giải quyết tình huống tốt”, ông Tân đánh giá.

Mô hình máy gặt lúa được mô phỏng và hoạt động như thật của một đội thuộc bảng mở rộng đến từ TP.HCM.

Các thí sinh của bảng thường và bảng mở rộng đã trải qua hai ngày thi (18 và 19/8) với những vòng thi khác nhau. Kết quả, ban tổ chức đã trao các giải vô địch, vàng, bạc, đồng theo từng bảng thi đấu. Các đội tham dự đạt giải vô địch sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi WRO 2018 tại Thái Lan vào tháng 11 tới đây. Trước đó, vào các năm 2016 và 2017, các đội thi đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi quốc tế như WRO hay First Lego League đều đạt thứ hạng cao – top 10 chung cuộc.

Hai robot do các học sinh tiểu học lắp ráp, lập trình đang thi ở bảng B5 là đối kháng (Sumo) với mục tiêu đẩy đối phương rơi khỏi sàn đấu.
Một em học sinh tiểu học đang tỏ ra căng thẳng khi robot tham gia phần thi Sumo. Kết quả, robot của đội này là Việt Robot B5-01 đã giành chiến thắng bảng B5, hạng mục tiểu học.

Áp dụng mô hình cuộc thi WRO quốc tế, cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 tại Việt Nam có chung chủ đề và luật chơi với cuộc thi quốc tế. Với chủ đề “vấn nạn về lương thực”, các thí sinh phải vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) đã học cùng với kỹ năng thiết kế robot và lập trình để việc tìm ra giải pháp thiết thực, giải quyết những đề bài đưa ra cho từng bảng thi, cụ thể:

– Bảng thường (B1, B2, B3) với các chủ đề lần lượt là tiết kiệm thức ăn, canh tác chuẩn xác và vận chuyển thức ăn.

– Bảng mở rộng (B4) trang trí gian hàng và trình bày ý tưởng của mình bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng như thuyết minh về tính hiệu quả và khả thi của robot mà đội sáng tạo ra.

– Bảng Sumo (B5) thi đấu robot đối kháng tính điểm, gồm 2 lượt là vòng bảng và vòng chung kết.

– Bảng Bóng đá (B6) mô phỏng trò chơi bóng đá của con người, mỗi đội có 2 robot tự động đuổi theo một quả bóng phát tia hồng ngoại, đội nào ghi nhiều bàn thắng hơn trong thời gian quy định là đội chiến thắng.

Robot tham gia phần thi sa bàn, cùng bảng với phần thi bóng đá robot.
Khi đã vào sân, các robot sẽ phải tự động di chuyển, nhận diện, thực hiện các tác vụ do học sinh lập trình sẵn.

World Robot Olympiad hay WRO được thành lập vào năm 2004 với sứ mệnh gắn kết những người trẻ trên khắp thế giới lại với nhau để cùng phát triển sự sáng tạo, kỹ năng thiết kế và giải quyết vấn đề, thông qua các cuộc thi đấu robot đầy thách thức và mang đậm tính giáo dục.
Cuộc thi WRO được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 với 12 đội tham gia. Đến nay, Hiệp hội WRO đã có 66 quốc gia thành viên và cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên và luân phiên địa điểm tại các nước thành viên.
Tại Việt Nam, sân chơi WRO chính thức bắt đầu từ năm 2013. Từ đó đến nay, các đội của Việt Nam đã trải qua các kỳ thi đấu quốc tế tại Indonesia (năm 2013), Nga (năm 2014), Qatar (năm 2015), Ấn Độ (năm 2016) và Costa Rica (năm 2017).
Các đại diện của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định và trở thành niềm tự hào cho Việt Nam khi 2 năm liên tiếp đạt được thành tích cao từ cuộc thi này khi cạnh tranh với các đội thi đến từ các cường quốc về khoa học – kỹ thuật như Nga, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức… Cụ thể, năm 2016 là hạng 3 thế giới bảng thường cấp tiểu học; năm 2017 là hạng 8 thế giới bảng thường cấp THCS.
WRO 2018 sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 16 – 18/11/2018, dự kiến sẽ có 2.500 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho 66 quốc gia thành viên đến tranh tài cho vị trí vô địch thế giới. Việt Nam dự kiến sẽ có 5 đội xuất sắc nhất đại diện cho 5 bảng thi đấu tham gia trong cuộc thi này.