“Sẽ nghỉ đến bao giờ?”, “Bọn trẻ không biết làm gì ngoài dán lấy màn hình chơi game?”, “Không biết nghĩ ra trò gì cho con, bắt học hoài chúng cũng không chịu”… Những ngày này vào mạng xã hội có thể thấy phổ biến những “tút” các bậc phụ huynh than phiền về chuyện con “không biết làm gì” khi phải nghỉ học và hạn chế ra ngoài.
Đợt nghỉ học kéo dài do dịch bệnh đến một cách đột ngột, tuy làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết mọi gia đình nhưng đồng thời cũng là một phép thử. Việc chúng ta phải ra khỏi quỹ đạo quen thuộc của trường lớp đã cho thấy sự khác biệt trong khả năng thích ứng của cả con trẻ và các bậc cha mẹ.
Học thông qua chơi
Trong khi nhiều đồng nghiệp bối rối vì không biết nên tổ chức việc học tập, sinh hoạt như thế nào cho phù hợp và hiệu quả cho con cái thì chị Bảo Ngọc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá ung dung.
“Thực tế cho thấy, chúng ta phải nghĩ đến việc sẽ chuẩn bị cho trẻ thích nghi với việc học tập một cách đa dạng hơn về phương thức và phương tiện học tập” – Chị Bảo Ngọc chia sẻ – “Các con tôi ở nhà không chỉ có học bài, các cháu có nhiều hoạt động khác để giải trí, cũng vẫn được sử dụng Internet, máy tính, Ipad vì nếu bảo ngăn không cho các con sử dụng là rất khó khả thi. Nhưng cách vợ chồng tôi khuyến khích các con là lựa chọn những công cụ, ứng dụng có thể giúp các con học thông qua chơi, mang lại sự hào hứng và an toàn trong môi trường mạng”.
Tương tự như chị Bảo Ngọc, anh Trần Công Tuấn (quận Tân Bình, TPHCM) cho rằng “không còn giới hạn trong những phương thức truyền thống của trường lớp và sách giáo khoa, sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đang mở ra những cơ hội cho các bậc phụ huynh tìm kiếm cho con em mình những phương thức học tập mới không kém phần hiệu quả về mặt kiến thức mà còn gia tăng những kỹ năng quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai”.
Chỉ đơn cử với bối cảnh rất thời sự hiện nay là dịch bệnh Covid -19, việc học tập của con em chúng ta bị đảo lộn. Nếu tạm thời không đến trường, trẻ có thể học được gì bổ ích không, có thể giúp trẻ ngay trong lúc chơi ở nhà cũng thu được những kiến thức và kỹ năng mới? Có thể làm gì để giúp con em mình không còn là những đứa trẻ thụ động và buồn chán?
Câu trả lời là theo anh Tuấn là hoàn toàn có thể.
Thật ra quan điểm của chị Bảo Ngọc hay anh Tuấn về việc cho con học thông qua những hoạt động mang tính giải trí hoàn toàn phù hợp với quan điểm của các chuyên gia giáo dục trên thế giới.
“Chơi là không học, học thì không vui chơi được”
Theo một nghiên cứu mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp với Lego Foundation thực hiện với chủ đề “Học thông qua Chơi”, các chuyên gia đã chỉ ra rằng “học thông qua chơi” chính là cách tốt nhất để tạo động lực học tập, phát huy trí sáng tạo tối đa của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ từ 2 đến 8 tuổi. Từ đó các chuyên gia của UNICEF và Lego Foundation đã định nghĩa lại khái niệm “Chơi” và các giá trị của việc “Chơi” đối với trẻ ở các cấp mầm non và tiểu học.
Trong nghiên cứu của UNICEF và Lego Foundation, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hiện các bậc cha mẹ đang hiểu sai về định nghĩa của “chơi” và giá trị của nó, vì hầu hết đều nghĩ rằng “chơi” nghĩa là tách biệt trẻ với “việc học”. Từ đó, việc tạo dựng hệ thống học tập mà trong đó các em có cơ hội được chơi là rất ít, hoặc không có sự lồng ghép yếu tố chơi vào việc học.
Như vậy, cha mẹ chính là người cần thay đổi trước trong quan niệm cũng như trong sự lựa chọn. Nếu như các bậc cha mẹ đã từng lo ngại con thích chơi nhiều hơn học, không hào hứng với việc học…, có lẽ vì cha mẹ đã chưa lựa chọn đúng những công cụ “học thông qua qua chơi” phù hợp và hiệu quả để có thể mang lại niềm vui khám phá, học tập cho con cái và sự yên tâm về mục tiêu học tập cho cha mẹ.
Một giờ cha mẹ dành cho con
Để trẻ không chán nản, thụ động, sự tự tin được cho là một yếu tố rất quan trọng. Cùng với khả năng sáng tạo, sự tự tin đang ngày càng được các chuyên gia giáo dục đánh giá là một yếu tố quyết định sự thành công của trẻ trong học tập và trong cuộc sống.
Nhằm đánh giá sự tự tin quan trọng như thế nào trong học tập và thành công trong cuộc sống cũng như làm thế nào để tạo sự tự tin của học sinh, LEGO Education đã phối hợp với The Harris Poll đã làm cuộc khảo sát trên toàn thế giới trên 5000 học sinh, 5000 phụ huynh và 1200 giáo viên vào năm 2019 tại nhiều quốc gia.
Nhưng kết quả khảo sát cho thấy những con số đáng giật mình: chỉ có 19% học sinh tự tin trong học tập, đặc biệt là các môn học STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật, toán). Không chỉ bản thân các em học sinh thiếu tự tin trong học tập, mà các bậc cha mẹ cũng nghĩ vậy khi chỉ có 30% phụ huynh nghĩ rằng con em của họ có sự tự tin trong học tập. Trong khi đó, tới 76% giáo viên tin rằng chính việc thiếu tự tin ngăn cản các em tiếp tục phát triển và phát huy thế mạnh của mình trong học tập các môn học STEAM.
Để trả lời cho câu hỏi làm thế nào tạo sự tự tin cho học sinh, 77% giáo viên và 62% phụ huynh trong cuộc khảo sát này cho rằng học thông qua trải nghiệm đôi tay (hands-on learning) là cách tốt nhất.
Làm sao để duy trì và phát triển sức sáng tạo và trau dồi sự tự tin cho trẻ? Anh Trần Công Tuấn chia sẻ kinh nghiệm “Đừng ngần ngại làm người thầy đầu tiên, người bạn học của trẻ. Trẻ thường thích vui chơi với bạn bè cùng lứa nhưng cũng rất quan trọng để trẻ ở bên những người trưởng thành. Trải nghiệm với những người lớn hơn sẽ mở rộng thế giới, tầm nhìn của trẻ”.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng sự gần gũi trong gia đình, việc cha mẹ dành thời gian cho con mỗi ngày để cùng con “học thông qua chơi” là một cách hiệu quả giúp trẻ lớn lên trong tự tin.
“Kỳ nghỉ do dịch bệnh này chính là cơ hội để vợ chồng tôi thực hành, trải nghiệm những giải pháp học và chơi cùng con tại nhà và xây dựng thành thói quen lâu dài” – chị Bảo Ngọc cho hay. Đây cũng là quan điểm được các chuyên gia giáo dục khuyến khích. Với sự hỗ trợ từ các công cụ giáo dục có kèm nhiều ứng dụng cùng lúc giúp trẻ “học thông qua chơi” và “học thông qua trải nghiệm đôi tay”, trẻ sẽ được “kích hoạt” đồng thời cả trí óc, đôi tay, thị giác, khả năng quan sát… Còn các bậc phụ huynh chỉ cần dành ra mỗi giờ mỗi ngày hoặc mỗi tuần để học cùng, khám phá cùng, vui cùng với con”.
Ngay cả khi trẻ đi học lại sau kỳ nghỉ do dịch bệnh Covid -19 này, các bậc cha mẹ nên cùng với trẻ duy trì thói quen “một giờ dành cho trẻ” sau giờ học, vào cuối tuần. Chắc chắn rằng bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi, phát triển những kỹ năng cũng như niềm vui ở trẻ. Trẻ sẽ không còn là những đứa trẻ buồn chán mà bạn từng biết.
Theo Thanh Hà – VnExpress