Không thể ngờ kỳ nghỉ Tết của con dài gần bằng kỳ nghỉ hè. Và những hoạt động ngoại khóa, học tập còn có thể tiếp tục phải hạn chế trong một thời gian dài. Làm thế nào để trẻ không bị chìm đắm trong các thiết bị điện tử, tiêu phí thời gian một cách vô bổ hay tù túng giữa bốn bức tường… đang là mối quan tâm chung của rất nhiều phụ huynh.
Với ba con, hai gái và một trai đều đang trong độ tuổi tiểu học và THCS, việc các con gián đoạn các hoạt động đến trường cũng như đi học ngoại khóa lúc đầu khiến chị Trịnh Tú Mai (Ba Đình, Hà Nội) rối ren. Nỗi lo lớn nhất của chị là làm thế nào để các bạn nhỏ ngày ngày quanh quẩn trong nhà mà không bị trì trệ, buồn chán, thay vì vùi đầu vào chơi game, lướt net thì vẫn có thể sử dụng thời gian nghỉ một cách bổ ích.
Không bị tù túng khi ở trong nhà
Tâm trạng của chị Tú Mai có lẽ cũng là mối bận tâm của hàng loạt phụ huynh thời điểm này. Có lẽ hầu hết chúng ta chưa bao giờ chuẩn bị cho tình huống nhà trường và các trung tâm tiếng Anh, ngoại khóa… sẽ đóng cửa trong một thời gian dài như đang diễn ra. Nhưng khi thực tế này đến, có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt: có không ít đứa trẻ thấy việc nghỉ và tự học là một trải nghiệm nặng nề và bố mẹ cũng than phiền vì mệt mỏi.
Ngược lại, có những đứa trẻ vẫn hào hứng trong việc tự học hoặc sử dụng thời gian một cách hữu ích để bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng mới một cách đầy hứng thú. Hai con của chị Phan Kiều Anh (Quận Phú Nhuận, TPHCM) học lớp 3 và lớp 7 nằm trong số đó.
“Các con vẫn dậy khá đúng giờ để học online cùng các thầy cô và các bạn theo hướng dẫn của nhà trường. Thời gian còn lại, tôi cho phép các con tự chọn các hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo sở thích. Các con thích nhất là tự khám phá bộ học cụ Lego Education mà tôi đã cho các con làm quen từ trước đó”
– Chị Kiều Anh chia sẻ.
Sau mấy tuần con nghỉ học ở nhà, chị Kiều Anh nhận xét: “Trước đây do cả ngày đi học chính khóa nên các con chỉ có một khoảng thời gian buổi tối để khám phá nhưng tôi đã thấy các con dần dần có sự thay đổi, sáng tạo hơn, khả năng tự học, tự tìm hiểu tăng lên rõ rệt. Vì vậy, khi đợt này nghỉ dài ngày, được sử dụng nhiều hơn, các con không có cảm giác bị buồn chán giữa bốn bức tường”.
“Những ưu điểm mà tôi đánh giá cao ở các bộ học cụ này là có phần mềm ứng dụng học tập được thiết kế vui nhộn đi kèm giúp các con hứng thú học mà không bị chán. Các con say mê lắp ráp các mô hình LEGO, lập trình cho các mô hình chuyển động với những bài học có sẵn được thiết kế giờ học qua video được thiết kế bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tương tác với giáo viên hướng dẫn qua livestream và tương tác với nhau dù cách biệt về tuổi. Bạn lớn còn tự hướng dẫn được cho em cùng tìm hiểu, cùng chơi. Thậm chí các con còn đánh đố ba mẹ những kiến thức khoa học hay toán mà các con vừa học được ”
– chị Kiều Anh chia sẻ.
Vận động sáng tạo
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, kỳ nghỉ đột xuất kéo dài do dịch bệnh với nhiều giới hạn về hoạt động bên ngoài sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý đối với trẻ. Từ việc thay đổi nhịp sinh hoạt, môi trường đến việc hạn chế giao tiếp với bạn bè, thầy cô, hạn chế đến các trung tâm ngoại khóa, nơi công cộng… khiến trẻ ít nhiều có những áp lực tâm lý, nảy sinh sự buồn chán. Đồng thời, nhiều em cũng dễ rơi vào tâm lý lơi lỏng việc học tập, khi trở lại trường có thể sẽ học tập sa sút, không ổn định.
Vì thế, việc tạo cho trẻ có những hình thức giải trí lành mạnh, duy trì được sự hào hứng với việc học thông qua những hình thức đa dạng “học mà chơi, chơi mà học” được các chuyên gia khuyến khích các bậc cha mẹ sớm hỗ trợ cho trẻ.
Theo các chuyên gia, không chỉ phục vụ nhu cầu trước mắt trong kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh nên coi đây là một cơ hội giúp con làm quen với những hoạt động có tính sáng tạo, khuyến khích sự tự tin và tự lập, có thể tự phát triển các kỹ năng mới. Trong đó, bên cạnh các hoạt động học tập qua sách vở trong chương trình và hoạt động thể chất thông thường, việc trẻ có những hoạt động đòi hỏi sự “vận động tinh” rất có giá trị. Ví dụ như với những công cụ giáo dục kích thích trẻ vừa có sự vận động đầu óc, vừa rèn luyện vận động tinh tay chân, kích thích thị giác, khiến trẻ luôn năng động, duy trì được sự linh hoạt.
Anh Hoàng Trung Hiếu (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), phụ huynh của hai con đang học lớp 4 và lớp 7 cũng cho rằng việc cho các con làm quen và sử dụng những học cụ bổ trợ học tập khuyến khích khả năng sáng tạo càng ngày càng đóng vai trò quan trọng, Từ trải nghiệm trực tiếp với hai con, anh Hiếu cho hay, các con anh được làm quen sớm với các ứng dụng phù hợp với từng lứa tuổi từ bậc tiểu học.
“Tôi thấy rất mừng là không chỉ đợt nghỉ này mà bình thường, khi được làm quen với các ứng dụng giáo dục khuyến khích khả năng sáng tạo, phát triển các kỹ năng về STEM, các con tôi đều rất hào hứng. Sau một thời gian làm quen, cả hai bạn đều có sự thay đổi rõ rệt, được các thầy cô ở trường nhận xét là tự tin hơn, có cách tư duy sáng tạo ứng dụng vào việc học tập trên lớp”.
Theo anh Hiếu, lựa chọn các công cụ uy tín giáo dục thông qua hoạt động chơi cho con giúp vợ chồng anh yên tâm khi để con ở nhà trong đợt nghỉ dài ngày này. “Với con trẻ không phải cứ muốn ép con học cái này cái kia là được, để thực sự có hiệu quả thì trước hết con phải thích thú, hào hứng và tự giác. Vì thế việc lựa chọn cho các con những hoạt động kết hợp giữa học và chơi, giúp con phát triển được nhiều kỹ năng sẽ khiến cả bố mẹ và con cái có tiếng nói chung”- anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện tại dịch Corona vẫn đang diễn biến phức tạp. Dù việc đi học lại dự kiến có thể sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3, nhưng các hoạt động ngoại khóa có thể còn bị giới hạn trong một thời gian dài nữa. Vì thế bố mẹ cần lưu tâm đến việc giúp trẻ thoát được tình trạng dính lấy màn hình thiết bị điện tử một cách thụ động hoặc buồn chán giữa bốn bức tường. Ngoài ra, về lâu dài việc tìm kiếm những giải pháp kết hợp học với giải trí lành mạnh, giúp trẻ năng động, hứng thú hơn, phát triển đồng thời hài hòa các kỹ năng là một vấn đề phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm.
Theo Thanh Hà – Báo Dân Trí