STEM được viết tắt từ các từ: “Science, Technology, Engineering, Math” – “Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học”. Hiểu một cách đơn giản thì phương pháp này cung cấp cho học sinh kiến thức toàn diện về 4 lĩnh vực trên bằng cách kết hợp giữa việc học lý thuyết và thực hành, hoạt động thực tiễn, trải nghiệm đời sống.
STEM cho phép học sinh được thường xuyên thảo luận, tự rút ra kết luận và ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn. Có thể nói, phương pháp STEM giống như một cái búa, giúp phá vỡ bức tường chắn bấy lâu nay giữa hàn lâm và thực tiễn.
Qua một thời gian hình thành và phát triển, phương pháp STEM được cải thiện thành STEAM. Chữ “A” trong STEAM là viết tắt cho “Art” – “Nghệ thuật”.
Nếu giáo dục STEM là tập trung vào giải quyết các vấn đề với tư duy, kỹ năng phân tích thì STEAM khác biệt ở chỗ, nó giúp học sinh khám phá các môn học tương tự, nhưng kết hợp thêm tư duy sáng tạo và nghệ thuật ứng dụng vào giảng dạy, cùng với các tình huống thực tế. Đồng thời, giáo viên đưa ra câu hỏi cho học sinh và học sinh cũng được đặt câu hỏi ngược lại.
Các nhà giáo dục tin rằng, nếu tích hợp thêm “Nghệ thuật” vào giảng dạy, học sinh có thể sử dụng cả hai mặt của bộ não là phân tích và sáng tạo. Từ đó những đứa trẻ sẽ có tiền đề phát triển tốt nhất cho tương lai.